Năm 2016, toàn ngành nông nghiệp quyết tâm chấm dứt việc sử dụng chất cấm và triển khai thực hiện toàn dân “nói không với chất cấm trong chăn nuôi.” Cùng với đó, các địa phương tích cực tuyên truyền vận động nhân dân, bà con nông dân phát hiện tố giác các hành vi vi phạm.
Đó là một trong những nội dung được nhấn mạnh tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề: “Giải pháp quản lý chất cấm và lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm ở các tỉnh phía Bắc,” do Cục Chăn nuôi phối hợp với Trung tâm khuyến nông Quốc gia tổ chức ngày hôm nay (5/4), tại Hà Nội.
Chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGap ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)
Phát biểu tại Diễn đàn ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, từ năm 2015 đến tháng 2/2016 các địa phương và Cục Chăn nuôi đã tiến hành kiểm tra 1.893 cơ sở và phát hiện có 58 cơ sở có vi phạm chất cấm (chiếm 3,1%).
Trong số đó có 17/1.239 mẫu thức ăn chăn nuôi vi phạm chất cấm (chiếm 1,37%), 257/3.972 mẫu nước tiểu lợn vi phạm chất cấm (chiếm 6,47%), 12/451 mẫu thịt, phủ tạng vi phạm chất cấm (chiếm 2,66%).
“Như vậy, việc triển khai các đợt cao điểm về kiểm soát chất lượng vật tư và an toàn nông sản đã có tác dụng rất tích cực: vừa huy động lực lượng lớn các bộ ngành và các địa phương vào cuộc vừa góp phần giảm thiểu rõ rệt tỷ lệ các mẫu dương tính với chất cấm trong chăn nuôi, trong đó thức ăn chăn nuôi chỉ còn 1,3% so với 5-6% các tháng đầu năm; nước tiểu còn 3,9% so với thời gian cao điểm lên tới 16-25% mẫu kiểm tra dương tính… Các chất cấm trong chăn nuôi chủ yếu là Salbutamoll và một số rất ít là chất Vàng o (Auramine),” Cục trưởng Hoàng Thanh Vân nói.
Cán bộ thú y lấy mẫu thức ăn chăn nuôi để kiểm tra. (Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN)
Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lê Thị Hồng Hảo, Viện Kiểm Nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, gần đây, vấn đề sử dụng chất tạo nạc, chất tạo màu trong chăn nuôi đã gây hoang mang trong dư luận người tiêu dùng. Một số chất thuộc họ β-agonist (Salbutamol, Ractopamine, Metoprolol,…) được thêm vào thức ăn chăn nuôi để làm tăng tỷ lệ nạc/mỡ, chất làm thịt có màu vàng tươi.
Phó Giáo sư Lê Thị Hồng Hảo phân tích, những chất này khi đi vào cơ thể động vật sẽ dễ dàng lưu lại trong thịt. Khi con người ăn phải thịt có chứa các chất này sẽ gây ảnh hưởng bất lợi tới sức khỏe, có thể tích lũy trong cơ thể gây hậu quả kéo dài, gây nhiều triệu chứng xấu tới sức khỏe con người như huyết áp, tim mạch… Do vậy, những chất này đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi ở Việt Nam từ năm 2002.
“Cùng với sự phát triển nhanh chóng của xã hội hiện đại, chất lượng cuộc sống và sức khỏe con người ngày càng được quan tâm. Thực phẩm an toàn là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt và đóng góp to lớn trong việc cải thiện sức khoẻ con người, chất lượng cuộc sống và chất lượng giống nòi. Ngộ độc thực phẩm và các bệnh do thực phẩm gây ra không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ và cuộc sống của mỗi người, mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế, là gánh nặng chi phí cho chăm sóc sức khoẻ,” bà Hảo nhấn mạnh.
Để chấm dứt hành vi vi phạm về chất cấm trong chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nêu rõ, trong năm 2016 toàn ngành quyết tâm chấm dứt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và sẽ có lộ trình kiểm tra liên tục từng tháng.
“Đối với các đối tượng trang trại và lò mổ, có 2 biện pháp kiểm soát đó là ‘chống và xây’. Đối với biện pháp chống, hiện nay chúng ta đang làm quyết liệt một mặt đưa ra các chế tài mạnh hơn, mặt khác tổ chức các đoàn thanh kiểm tra liên tục đi kiểm tra các nhà máy, lò mổ trang trại, lấy mẫu đưa đi phân tích và xử lý.
Thứ hai là xây, chúng ta cần tăng cường tuyên truyền phổ biến tới người dân, người nuôi. Ngoài ra, các biện pháp kết nối và sản xuất theo chuỗi cũng cần phải tiến hành mạnh mẽ để giúp các hộ nuôi kết nối với các cơ sở chế biến để đưa sản phẩm sạch tới người tiêu dùng,” ông Việt nói./.