Khoa học kĩ thuật
ngày 04/04/2016
Kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng lợn cái hậu bị

Heo cái hậu bị là heo cái được tính từ sau khi cai sữa cho đến khi phối giống lần đầu. Một trong những bước đầu quan trọng trong nuôi heo nái sinh sản là chọn giống và kỹ thuật chăm sóc heo cái hậu bị, làm sao cho cái hậu bị đến tuổi phối giống đạt khối lượng yêu cầu, đảm bảo thành thục về sinh lý và thể trạng chuẩn bị bước vào sinh sản

 

Để đạt được các yêu cầu của heo cái hậu bị bà con cần lưu ý một số vấn đề chính sau đây :

Chọn giống

Về chủng loại: Các giống heo nên chọn làm heo cái hậu bị là YorkShire, Landrace, York-Land, Land-York. Các giống heo này có năng suất sinh sản cao, đẻ 10-12 con/lứa, cho sữa tốt, nuôi con khéo, số lứa đẻ 2-2,2 lứa/năm.

Các tiêu chí chọn giống: Nên chọn những con có nguồn gốc rõ ràng và cá thể tốt

- Chọn trên nguồn gốc cha, mẹ là heo mẹ đẻ sai con, nuôi con khéo, không bị sẩy thai, còn heo cha khi phối giống cho nhiều bầy sai con, heo con mau lớn, ít chết. Đồng thời heo cha và mẹ không có tiền sử nhiễm bệnh truyền nhiễm.

- Chọn trên cá thể: Đầu tiên là căn cứ vào ngoại hình, heo phải ngoại hình tốt, cân đối, lông da bóng mượt, mắt sáng, vai nở, mông nở, âm hộ nở và xuôi, khấu đuôi to, chân thẳng, đi móng, có hàng vú dọc thẳng, lộ rõ và cách đều nhau, khoảng cách giữa hai hàng vú rộng, có từ 12 vú trở lên. Khi heo thành thục phải có biểu hiện lên giống rõ. Đồng thời chọn heo đã được tiêm phòng đầy đủ, không mắc bệnh truyền nhiễm.

Chăm sóc nuôi dưỡng

 Muốn cho heo sau này có năng suất sinh sản cao, heo cái hậu bị trước khi vào sinh sản yêu cầu heo phải có thân hình săn chắc, không quá mập hoặc quá gầy.  heo cái hậu bị quá mập sẽ động dục thất thường hay không động dục, tỷ lệ thụ thai kém, đẻ khó. Còn heo nái hậu bị quá gầy sẽ chậm động dục, tỷ lệ hao mòn lớn, heo mẹ dễ bị suy kiệt và cho sữa kém, heo con sinh ra yếu ớt và dễ mắc bệnh nhất là bệnh tiêu chảy. Vì vậy cần phải chú ý đến khẩu phần ăn của heo.

- Về khẩu phần ăn: Cần phân bổ khẩu phần ăn phù hợp theo từng tháng tuổi của heo.

+ Giai đoạn sau cai sữa đến 5 tháng tuổi nên cho heo ăn tự do để cơ thể phát triển hoàn chỉnh và tạo khung.

+ Giai đoạn 6- 8 tháng tuổi thì khống chế khẩu phần ăn, cám hỗn hợp từ 1,8 - 2,2 kg/con/ngày. Bổ sung nhiều rau xanh (cho ăn tự do), vừa tận dụng nguồn thức ăn sẳn có, vừa tạo điều kiện để cơ quan tiêu hóa phát triển tốt, vừa tránh cho heo quá mập trước khi bước vào sinh sản. Lưu ý giai đoạn này nên nhốt heo cái hậu bị gần chuồng heo đực giống để kích thích động dục sớm. Đồng thời sau khi heo lên giống lần đầu nên tăng khẩu cho ăn để kích thích tăng rụng trứng, tăng tỷ lệ đậu thai khi phối.

- Về thời gian phối giống: Heo cái hậu bị nên được phối giống khi có tuổi và trọng lượng thích hợp. Không nên phối quá sớm hoặc quá muộn bởi vì phối giống cho heo quá sớm sẽ làm ảnh hưởng đến tầm vóc heo mẹ hay gầy yếu, khả năng sinh sản kém và sớm bị loại thải. Nếu phối giống cho heo quá muộn thì mất nhiều thời gian và thức ăn để nuôi heo ở giai đoạn hậu bị (đây là giai đoạn không sản xuất của heo), dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Heo lên giống lần đầu thường ở giai đoạn 7- 8 tháng tuổi, nên bỏ không phối vì trứng rụng ít, nếu phối giống sẽ sinh ít con. Vì vậy nên phối giống cho heo cái hậu bị khi heo lên giống lần 2 hoặc lần 3, lúc này heo có trọng lượng từ 90 -130 kg. Mặt khác để đạt được tỷ lệ thụ thai cao, thì phối giống phải đúng thời điểm và tuân thủ các yêu cầu trong công tác phối giống là cho heo phối giống 2 lần, lần 1 vào cuối ngày thứ 3 kể từ khi heo bắt đầu có biểu hiện động dục (tức là giai đoạn chịu đực: Âm hộ có màu đỏ sậm, hơi teo lại, dịch nhờn đục và đặc, dùng tay đè vào vùng sống hông heo có biểu hiện đứng yên, cho con khác nhảy lên mình) và phối lặp lại lần 2 sau 12 giờ (đầu ngày thứ 4), nên phối vào buổi sáng sớm hay chiều mát.

        - Về phòng và trị bệnh:

Ngoài việc vệ sinh chuồng trại, vật nuôi để phòng bệnh, bà con cần phải chủ động tiêm thuốc tẩy giun và tiêm phòng một số bệnh truyền nhiễm cho heo hậu bị với lịch tiêm phòng sau:

 

Tuổi heo

Chủng loại

Phòng bệnh

6 tháng

Ivermectin

Tẩy giun

6 tháng 14 ngày

Vaccin PRRS

Heo tai xanh

6 tháng 21 ngày

Vaccin FMD

Lở mồm lông móng

7 tháng

Vaccin Dịch tả

Dịch tả

7 tháng 7 ngày

Vaccin phó thương hàn

Phó thương hàn

7 tháng 14 ngày

Vaccin tụ huyết trùng

Tụ huyết trùng

 

Lưu ý: Heo cái hậu bị chỉ được phối giống sau khi tiêm phòng vaccin 10-15 ngày.

Mặc dù trong quá trình nuôi đã áp dụng các khâu quản lý, chăm sóc, vệ sinh  và phòng bệnh tốt. Tuy nhiên dịch bệnh vẫn có thể xảy ra, vì thế cần áp dụng một số nguyên tắc thông th­ường để giảm tối đa thiệt hại khi bệnh dịch xảy ra.

+ Tr­ước hết là phát hiện ra bệnh, xác định và phân loại bệnh. Đồng thời phải cách ly con bệnh ra khỏi đàn.

+ Điều trị  chăm sóc heo bệnh.  

+ Vệ sinh tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi 

Heo cái hậu bị thường mắc một số bệnh như: Phó thương hàn, tụ huyết trùng, viêm phổi … để điều trị các bệnh này bà con nên sử dụng các loại thuốc sau đây:

+ Bệnh Phó thương hàn: Điều trị thuốc Enrovet 10% hoặc ADVOCIP 2.5%, liên tục 3 – 5 ngày. Đồng thời trộn Orgacids hoặc Lactacids vào thức ăn giúp heo dễ tiêu hóa và pha UnilyteVit-C vào nước uống, nhằm cung cấp năng lượng, giải độc, chống mất nước, mất cân bằng điện giải, giúp heo hồi phục nhanh. Lưu ý khi phát hiện heo hậu bị bệnh phó thương hàn thì sau khi điều trị khỏi bệnh tiến hành loại thải ngay, vì mầm bệnh vẫn còn tìm ẩn trong cơ thể con mẹ và sẽ truyền bệnh cho heo con.

+ Bệnh Tụ huyết trùng: Nên sử dụng kháng sinh như Pen –Strep liên tục trong 3-5 ngày, thuốc hạ sốt Alnagine-C, thuốc trợ sức B.Complex C.

+ Bệnh viêm phổi: Có thể sử dụng 1 trong các loại kháng sinh Tiamulin; Tylosin;Kitasamycin + Amoxicilline (Nova – Mycoplasma) liên tục trong 3-5 ngày, nghỉ 3 ngày và nhắc lại như trên cho đến khi hết triệu chứng. Đồng thời kết hợp tiêm các thuốc trợ sức, tăng cường sức đề kháng như vitamin C-Electrolyte, B-complex.

Riêng các bệnh như dịch tả, lở mồm lông móng, heo tai xanh không có thuốc điều trị, vì vậy khi xảy ra các bệnh này thì phải xử lý theo quy định của thú y.

 

 


Chứng Nhận - Giải Thưởng