Khoa học kĩ thuật
ngày 30/03/2016
Quy trình chăn nuôi lợn đẻ

I. GIỚI THIỆU:

1. Vai trò của con giống

     Con giống đóng vai trò rất quan trọng trong chăn nuôi. Có ý kiền cho rằng thức ăn mới là quan trọng, song dù cho thức ăn có tốt mấy cũng không thể biến chất lượng thịt của lợn nội đạt chất lượng cao như lợn ngoại. Vì vậy vai trò của con giống vô cùng to lớn trong sản xuất các sản phẩm chăn nuôi  thịt, trứng, sữa. 

2. Giới thiệu một số giống lợn nội thuần sử dụng trong nhân giống thuần, làm nền lai kinh tế và sản xuất nái lai để sản xuất lợn thịt thương phẩm:

2.1.  Lợn Móng Cái:

Xuất xứ từ vùng Móng Cái tỉnh Quảng Ninh ở phía Bắc. Ngoại hình: đầu đen, giữa trán có đốm trắng hình tam giác hoặc hình thoi, mõm trắng, bụng và bốn chân trắng, trên lưng có mảng đen hình yên ngựa. Khả năng sinh sản cao từ 10 - 16 con/lứa. Trọng lượng sơ sinh 0,5 - 0,7kg/con. Giết thịt ở 100kg cho tỉ lệ nạc 38,6%, dày mỡ lưng 4,5cm.

2.2.  Lợn Ba Xuyên:

Là giống lợn có lông đen đốm trắng (còn gọi là lợn bông) thuộc giống lợn địa phương miền Tây Nam Bộ. Xuất xứ từ vùng Vị Xuyên - Ba Xuyên - Sóc Trăng. Giống này được hình thành từ các giống lợn địa phương lai với lợn Hải Nam, lợn Craonnaise và lợnBerkshire.

Lợn nái đẻ bình quân 8 - 9 con/lứa, nuôi con khéo, chịu đựng kham khổ tốt.

2.3.  Lợn Thuộc Nhiêu:

Xuất xứ từ vùng Thuộc Nhiêu, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Được hình thành từ lai tạo giữa lợn Bồ Xụ và Yorkshire. Lợn Thuộc Nhiêu có sắc lông màu trắng hoặc có vài đốm đen nhỏ, đầu vừa phải, tai nhỏ, cổ ngắn thanh, lưng thẳng, bụng gọn. Lợn nái đẻ 9 - 10 con/lứa, nuôi con khéo, có khả năng chống chịu bệnh tốt, phù hợp với chăn nuôi gia đình.

Một số giống lợn ngoại thuần hiện đang có ở Việt nam

• Lợn Yorkshire:

Xuất xứ từ vùng Yorkshire ở Anh. Do quá trình lai tạo giữa lợn địa phương với dáng đi linh hoạt, sắc lông toàn thân màu trắng có ánh vàng, nuôi con khéo, đẻ sai từ 10 - 12 con/lứa, chịu được kham khổ, thích nghi cao trong điều kiện khí hậu Việt Nam, không nhạy cảm với stress. Trọng lượng trưởng thành con đực 250 - 400kg/con, con cái 180 - 320kg/con. Dùng để làm nguyên liệu dòng đực hay dòng cái tạo lợn cái F1 hoặc đực lai để sản xuất lợn thịt thương phẩm.

• Lợn Landrace:

Xuất xứ từ Đan Mạch, có nguồn gốc lai tạo từ lợn Yuotland Đức và Yorkshire. Lông da màu trắng, tai to, cụp về phía trước che lấp mặt, dài đòn, mông nở, mình thon, trông ngang ta thấy giống hình cái nêm. Lợn nái đẻ sai từ 10 - 12 con/lứa, nuôi con giỏi, nhưng giống lợn này kén ăn và tương đối đòi hỏi nhu cầu dinh dưỡng cao và phải có điều kiện chăm sóc tốt. Trọng lượng trưởng thành con đực đạt 270 - 400kg/con, con cái 200 - 320kg/con. Dùng để làm nguyên liệu dòng đực tạo lợn cái F1 hoặc đực lai để sản xuất lợn thịt thương phẩm (cho lợn nội).

• Lợn Duroc:

Lợn Duroc bắt nguồn từ vùng Đông Bắc của Mỹ, phát triển mạnh ở New York và New Jersey. Duroc có màu lông hung đỏ hoặc nâu đỏ, 4 móng chân và mõm đen. Thân hình vững chắc, tai xụ từ nửa vành phía trước, dài đòn, chân chắc và khỏe. Khả năng sinh sản của nái không cao, đẻ khoảng 7 - 9 con/lứa, nuôi con kém, tỷ lệ nạc cao. Trọng lượng trưởng thành con đực trên 300kg/con, con cái 200 - 300kg/con. Sử dụng làm nguyên liệu dòng đực để lai tạo với lợn nái lai F1(Yorkshire x Landrace) tạo lợn thịt thương phẩm cho tỷ lệ nạc cao...(54 - 56%).

• Lợn Pietrain:

Xuất hiện ở Bỉ vào khoảng năm 1920 và mang tên làng Pietrain, được công nhận giống năm 1956. Lợn Pietrain lông da có những đốm lông da màu đen , trắng xen kẻ như lợn giống Ba xuyên ở Việt nam. tai đứng, phần mông rất phát triển, dày mình, khả năng sinh sản không cao khoảng 8 - 10 con/lứa, nuôi con không tốt, dễ bị đột tử khi di chuyển xa do có gen Halothan, tỷ lệ nạc rất cao (trên 60%). Trọng lượng trưởng thành con đực đạt 260 - 300kg, con cái 230 - 360kg.Chỉ dùng làm nguyên liệu dòng đực để lai với nái lai F1(Yorkshire x Landrace) tạo lợn thịt thương phẩm cho tỷ lệ nạc cao (56 - 62%).

II. CÁC QUY TRÌNH CHỌN GIỐNG, SẢN XUẤT NÁI LAI, SẢN XUẤT LỢN THỊT THƯƠNG PHẨM, NUÔI DƯỠNG, CHĂM SÓC VÀ CHUỒNG TRẠI

Nhằm có đàn lợn giống và lợn thịt tốt, thích nghi rộng rãi, đạt chất lượng thịt xẻ cao, được thị trường chấp nhận, cần chú ý trước tiên đến đàn giống thuộc các cấp trong tháp giống. Vì đàn lợn nái trong các tháp giống đều chiếm tỉ lệ lớn so với đàn đực giống, nó là những cá thể giống thuần hoặc giống lai được chọn lọc theo hướng sinh sản để sản xuất ra số lượng lớn lợn thịt với sự đóng góp vốn di truyền về năng suất và chất lượng thịt xẻ của các dòng bố thuộc các giống khác nhau. Cường độ chọn lọc trong nhân giống của con cái thấp hơn con đực. Tỉ lệ chọn lọc nái trong đàn giống thuần thường 10 con lấy 1 con (10%). Ở đàn nái lai thường 2 con giữ lại 1 con (50%). Trong khi đó lợn đực của các giống thuần có cường độ chọn lọc cao hơn, trong 100 con giữ lại 1 con (1%).Ở các tổ hợp lai để sản xuất lợn đực cuối cùng, có cường độ chọn lọc thấp hơn thường giữ lại từ 20 - 30% tổng số lợn đực lai trong đàn.

Để có đàn lợn giống nái thuần cho nhân giống và đàn lợn nái lai sản xuất lợn thịt thương phẩm đạt chất lượng cao ta phải thực hiện theo các qui trình cụ thể sau:

Quy trình nhân giống thuần và giống lai, chăm sóc, nuôi dưỡng và chuồng trại cho các loại nái thuộc các đàn nái trong tháp giống.

Ông cụ Bà cụ

àn hạt nhân)


Đàn ông bà

 

Đàn bố mẹ

 

CHỌN LỌC NUÔI DƯỠNG, CHĂM SÓC NÁI HẬU BỊ

A. Chọn lọc nái hậu bị các giống ngoại thuần (Yorkshire, Landrace, Duroc, Pietrain, Hampshire)

Mục tiêu của qui trình này là nắm vững những chỉ tiêu quan trọng khi chọn lọc nái hậu bị để làm giống và chăm sóc, nuôi dưỡng.

1. Các tiêu chuẩn chọn lọc cho các giống lợn thuần:

- Lợn nái thuần khi chọn lọc để gây nái hậu bị trước hết phải chọn từng những đàn giống ông cụ bà cụ hoặc ông bà trong tháp giống có lý lịch rõ ràng.

- Nó được chọn từ những lợn nái đúng phẩm cấp giống theo phẩm giống của từng giống (xem phần giới thiệu các giống ngoại thuần ở trên), con mẹ phải đạt từ cấp I trở lên theo tiêu chuẩn giám định.

- Con mẹ ở cấp ông bà và cha mẹ của nó phải có số con đẻ ra sống từ 10 con/lứa. Lứa đẻ đạt từ 2 lứa trở lên/nái/năm.

- Chọn những con khoẻ mạnh, theo từng phẩm giống, ngoại hình cân đối, dài đòn, mông vai nở, có từ 12 vú trở lên, các núm vú lộ rõ, khoảng cách giữa các vú đều nhau, cân đối giữa hai bẹ vú.

- Bốn chân thẳng, to khoẻ, đi móng.

- Năm thời điểm để chọn nái hậu bị:

a, Chọn từ lúc sơ sinh: Chọn con cái khỏe mạnh, có 12 vú trở lên, loại bỏ các khiếm khuyết, dị tật bẩm sinh hoặc do di truyền (lưỡng tính, cần phải đánh số tai, ghi chép các dữ liệu về trọng lượng sơ sinh, số vú… của từng cá thể để tiếp tục theo dõi chon lọc ở các thời điểm sau).

b, Chọn lúc cai sữa (30 ngày tuổi): Chọn con khỏe mạnh, 4 chân khoẻ mạnh.

c. Chọn lúc 3 tháng tuổi: Chọn ngoại hình cân đối, đúng phẩm giống, có 12 vú trở lên cân đối, núm vú lộ rõ, 4 chân khoẻ, da lông mượt, trọng lượng đạt từ 35 kg trở lên. Ghi chép đầy đủ các số liệu để chọn lọc ở các thời điểm sau.

d. Chọn lúc 6 tháng tuổi: Tiếp tục theo dõi những cá thể dược chọn lọc lúc 3 tháng tuổi về ngoại hình theo phẩm giống, chọn núm vú, chọn chân và những biểu hiện sinh dục (động dục). (Chú ý cần theo dõi để chọn lọc nái hậu bị lúc 6 tháng tuổi đạt trọng lượng từ 85kg trở lên, đã có biểu hiện động đục, ngoại hình đẹp đúng phẩm giống để tiếp tục theo dõi chọn lọc gây giống.)

e. Chọn khi đạt 8 tháng tuổi : Chọn lần cuối để chuẩn bị phối giống, trọng lượng đạt 100 kg trở lên, 4 chân thẳng, khoẻ mạnh, có 12 vú trở lên, cân đối, núm vú dài khoảng 1cm, bộ phận sinh dục phát triển. Độ dày mỡ lưng tại xương sườn cuối cùng thấp hơn 20mm. Tăng trọng bình quân/ngày kể từ lúc sinh đến 8 tháng tuổi đạt tối thiểu 450 gram (có nghĩa là trọng lượng hơi tối thiểu đạt khoảng 110 kg lúc 8 tháng tuổi). Trường hợp ngoại lệ : Những con chưa biểu hiện lên giống có thể giữ lại đến 10 tháng tuổi, khi đạt trọng lượng trên 120kg mà vẫn chưa thấy lên giống thì kiên quyết loại thải (cần theo dõi về tăng trọng, đo độ dày mỡ lưng và ngoại hình của anh chị em ruột của nó).

Ghi chú: Phương pháp chọn nái hậu bị đơn giản nhất để các hộ chăn nuôi gia đình có thể áp dụng được:

• Đánh số tai lợn con lúc sơ sinh và ghi chép đầy đủ thông tin về cha mẹ hoặc ông bà (theo hệ phả).

• Nuôi toàn bộ đàn lợn đến lúc đạt 8 tháng tuổi, tiến hành chọn lọc theo các chỉ tiêu chon lúc 8 tháng tuổi đã nêu trên để gây nái hậu bị.

2 . Nuôi dưỡng chăm sóc nái hậu bị .

• Lợn nái hậu bị từ 3 tháng đến 8 tháng tuổi : Được nuôi dưỡng theo tiêu chuẩn và khẩu phần ăn được quy định ở “Quy trình sử dụng thức ăn chăn nuôi” (xem phần quy trình sử dụng thức ăn chăn nuôi và chế biến thức ăn từ nguyên liệu địa phương).

• Ô chuồng nuôi và máng ăn, vòi uống cho nái hậu bị:Nái hậu bị được nuôi nhốt theo lô (nhưng không quá 20 con/lô). Bình quân 0,8 m2/con. Mỗi lô có đủ máng ăn cho 20 con (trường hợp sử dụng máng xi măng hoặc máng sành, chiều dài mỗi máng cho một con phải đạt tối thiểu 25cm, rộng 30cm, cao tính từ đáy máng 20cm). Nếu sử dụng máng ăn bán tự động, chiều dài của máng ít nhất có 3 ngăn ô, mỗi ngăn dài 30cm, thùng chứa có khối lượng tối thiểu là 50kg, tối đa là 80kg. Có vòi uống tự động, nước uống phải sạch, mát (thường nhu cầu nước cho lợn hậu bị khoảng 7 lít/ngày). Cần theo dõi 2 chỉ tiêu về tăng trọng và độ dày mỡ lưng để phục vụ cho chọn giống

• Theo dõi trọng lượng từng cá thể lúc 3 tháng tuổi và 8 tháng tuổi để xác định khả năng tăng trọng g/ngày của từng con trong thời gian nuôi hậu bị.

• Đo độ dày mỡ lưng ở xương sườn cuối của tất cả các con trong lô lúc 8 tháng tuổi.

• Thức ăn sử dụng thức ăn cho lợn nái giống của các công ty thức ăn, mức ăn tùy theo tháng tuổi từ 1,2 - 2 kg.

B. Lai tạo nái lai F1 cho đàn bố mẹ và sản xuất lợn con 3, 4 máu để nuôi thịt thương phẩm

Mục tiêu của phần này là nắm vững được việc sử dụng các giống thuần để lai tạo sản xuất nái lai F1. Nắm được các công thức lai để sản xuất lợn con có 3 - 4 máu nuôi thịt thương phẩm. Đạt hiệu quả cao.

Trong sản xuất lợn thương phẩm thường tạo ra đàn nái ở cấp bố mẹ. Đàn nái cấp bố mẹ có thể là đàn nái thuần giống Yorshire, Landrace. Song để tận dụng ưu thế lai ở con nái đời bố mẹ thường người ta cho lai giữa các “giống dòng mẹ” theo khả năng sinh sản và tiết sữa, tỉ lệ số con lợn con sống sau cai sữa.

• Các công thức sản xuất nái lai F1 (ngoại x ngoại)

Chúng ta có thể sử dụng các công thức lai sau để sản xuất đàn nái lai cấp bố mẹ ở tháp giống:

Công thức : Đực Landrace (L) x Nái Yorkshire (Y)

Nái F1 (Landrace x Yorkshire = LY)

Hoặc:

Công thứ : Đực Yorkshire (Y) x Nái Landrace (L)

Nái F1 (Yorkshire x landrace) = F1 (YL)

Có thể sử dụng công thức lai 3:

Công thức : Đực Duroc (D) x Nái Landrace (L)

Nái F1 (Duroc x Landrace) = F1 (DL)

Với giống lợn địa phương Mông Cái cần sử dung chúng trong lai tạo ra dòng mẹ với tỷ lệ 50% máu Mông cái và 50% máu ngoại hoặc 75% máu ngoại để sau đó cho lai với các giống dòng đực khác để sản xuất lợn thịt thương phẩm cho tỷ lệ nạc cao 40 - 42% khi con lai có 50% máu ngoại và 46 - 48% khi con lai có 75% máu ngoại.

• Chọn lọc nuôi dưỡng nái hậu bị lai F1: Các tiêu chuẩn chọn lọc và nuôi dưỡng nái hậu bị lai F1(Y x L) như các tiêu chuẩn chọn lọc nuôi dưỡng nái thuần đã nêu trên. Chú ý: cường độ chọn lọc ở đàn nái lai là 50% (có nghĩa là trong 100 lợn con sau 60 - 75 ngày tuổi cho đến lúc phối giống đậu thai còn được 50 con nái).

NUÔI LỢN NÁI SAU CAI SỮA, NÁI CHỮA VÀ NUÔI CON

• Nuôi dưỡng lợn nái sau cai sữa.

Các yêu cầu cần chú ý:

• Chuồng trại phải thoáng mát và sạch sẽ.

• Nếu cai sữa lợn con trước 30 ngày tuổi, lợn mẹ không bị hao mòn cơ thể vì thế sau cai sữa nên nhốt lợn mẹ theo từng ô cá thể và cho ăn uống tự do để động dục lại sau cai sữa trong vòng 5 - 7 ngày và có thể đạt từ 2,2 - 2,4 lứa/nái/năm.

• Nếu cai sữa muộn dưới 50 ngày, lợn nái có thể bị hao mòn. Cần chú ý cho lợn nái ăn tự do với loại thức ăn có chất lượng cao (17% Protein thô, năng lượng trao đổi đạt 3000Kcalo/kg thức ăn), giúp lợn nái nhanh phục hồi sức và động dục lại sớm, để phối giống.

• Chăm sóc nuôi dưỡng lợn nái chữa, đẻ và nuôi con.

Lợn nái sau khi phối giống có chữa, chữa kỳ 1 (85 ngày đầu) và chữa kỳ 2 (từ 86 - 114 ngày). Nguyên tắc nuôi nái chữa cần chú ý đến nái so và nái rạ.

Nái so (đẻ lứa đầu) bản thân nó không những phải nuôi bào thai mà còn có nhu cầu về sinh trưởng, do vậy trong thời gian mang thai không giảm lượng thức ăn trong các kỳ mang thai (2,5 - 3kg/ngày), nhằm đảm bảo năng lượng cho sinh trưởng và nuôi thai.

Nái rạ (từ lứa 2 trở lên):

• Chữa kỳ 1 : Giảm lượng thức ăn trong khẩu phần ăn hàng ngày so với bình thường từ 25 - 30% khẩu phần ăn/ngày khi xác định nái đã có chữa. Khẩu phần ăn hàng ngày trong chữa kỳ 1 là từ 1,8 - 2,2 kg thức ăn/con/ngày, với mức Protein thô 14 - 15%, năng lượng trao đổi 2900 - 3000 Kcal/kg thức ăn, tùy theo trọng lượng của từng con nái).

Hạn chế mức ăn ở giai đoạn chữa kỳ 1 sẽ giúp tăng tính thèm ăn trong lúc nuôi con, nhờ đó lợn nái trong giai đoạn nuôi con ăn được nhiều hơn để tăng khả năng tiết sữa nuôi con.

• Chữa kỳ 2 (từ ngày 85 - 113 ngày): Cần cho lợn nái tăng mức ăn từ 2,5 - 3kg thức ăn/ngày/con tùy theo trọng lượng của nái. Trước 5 ngày bắt đầu sinh cần phải giảm lượng thức ăn từ từ xuống cho đến trước một ngày đẻ chỉ còn 1kg/ngày/con để giảm sốt sữa lúc sinh, thức ăn cần có hàm lượng Protein thô 16 -17%/ kg và năng lượng trao đổi 3000 Kcal/kg.

Trong khẩu phần thức ăn của lợn nái cần đủ các loại khoáng vi và đa lượng (Ca, P), Lysin, Methionin, muối ăn tương ứng là 0,7%; 0,6%; 0,5%; 0,31%, 0,5%).

Khẩu phần ăn cho lợn nái chữa phải có ít nhất 9% chất xơ để tránh táo bón. Ngoài ra cần bổ sung thêm 25.000 UI vitamin A và 80 UI vitamin E/ kg thức ăn để lợn nái bảo vệ tốt bào thai và giảm hội chứng viêm vú, viêm tử cung và sốt sữa (MMA) sau khi sinh.

NUÔI DƯỠNG LỢN NÁI ĐẺ VÀ NUÔI CON

• Chăm sóc lợn nái sau khi sinh và nuôi con:

Lợn nái trước khi sinh 7 ngày được đưa vào lồng đẻ sau khi đã được vệ sinh và bỏ trống tối thiểu 7 ngày.

Trong lồng đẻ 7 ngày trước khi sinh nó được nuôi dưỡng theo qui trình lợn nái chữa kỳ 2.

Nước uống được cung cấp bằng vòi uống tự động hoặc máng uống, yêu cầu nước uống phải sạch và mát.

Ngăn ô chuồng đẻ phải sạch sẽ, thoáng mát. Khi lợn đẻ cần che chuồng tránh gió lùa vào mùa đông và mưa tạt vào mùa hè. Ngăn ô lợn con, ở lồng đẻ phải có đèn sưởi cho lợn con. Trong 15 ngày tuổi đầu. Lợn con cần nhiệt độ 350C sau đó giảm dần xuống 280C.

+ Lợn nái chữa cần chăm sóc chu đáo, tránh va chạm và không lùa chuyển đi xa hoặc cắn nhau để tránh sẩy thai

+ Cần xoa bóp bầu vú cho lợn nái trước khi đẻ một tuần trước khi đẻ 1 tuần và giảm lượng thức ăn phòng tắc sữa, sốt sữa, sưng vú sau khi sinh.

+ Thời gian nái đẻ thường kéo dài từ 2 - 4 tiếng, có thể đến 5 tiếng. Nếu quá thời gian trên, cần có sự can thiệp của nhà chuyên môn hoặc chích oxytocine 5 -10ml/con (tuỳ theo trọng lượng lợn nái)

+ Theo dõi âm hộ, nếu có mủ hoặc viêm nhiễm cần xử lý như: rửa âm hộ bằng thuốc tím 7 phần ngàn hoặc chích Oxytocine liều nhẹ 5 UI/nái/ngày hoặc kháng sinh để chống viêm nhiễm cho lợn (liều lượng thuốc theo đơn)

• Nuôi dưỡng lợn nái sau khi sinh và nuôi con:

Lợn nái sau khi sinh: ngày đầu tiên thường không cho ăn mà chỉ cho uống nước; ngày thứ hai cho ăn khoảng 1,5kg; sau đó cho ăn tăng dần; từ ngày thứ bảy trở đi cho ăn tự do.

Lượng thức ăn tối thiểu cho một nái nuôi con trong một ngày được tính theo số lợn con có trong ổ là 0,5kg thức ăn/1 lợn con. Ví dụ: Một ổ có 8 con theo mẹ, vậy lượng thức ăn cho lợn mẹ sẽ là: 8 (lợn con) x 0,5 (kg thức ăn) = 4,0 kg/ ngày.

Lợn nái có thể ăn tự do từ 4 đến 6kg thức ăn/ngày tùy thuộc vào trọng lượng và lứa đẻ với điều kiện số lợn con/ lứa đạt 8 con trở lên.

Cần bổ sung đủ 0,9% Ca; 0,6% P; 0,5 - 1% muối ăn và 0,65Lys, 0,42 Met + Cys trong một kg thức ăn cho nái nuôi con

Trước khi cai sữa 2 ngày nên giảm mức ăn của lợn nái xuống 2kg/ngày, ngày cai sữa không cho lợn mẹ ăn chỉ cho uống nước, để tránh tình trạng sốt sữa.

Tất cả các loại lợn nái đều cần một lượng nước bình quân trong ngày khoảng 20 - 30 lít.

• Nuôi dưỡng ,chăm sóc lợn con sau khi sinh và theo mẹ:

• Khi đẻ lợn con cần được nuôi dưỡng chăm sóc cẩn thận. Ngay sau khi sinh lợn con được lau sạch bằng khăn mềm - khô, bấm răng nanh, cắt cuống rốn (chừa lại khoảng 3 - 4cm), dùng chỉ thắt lại và vô trùng bằng Iốt hoặc thuốc đỏ rồi bấm răng nanh cho lợn con. Sau khi ra nhau, dùng nước ấm rửa sạch bầu vú và âm hộ trong trường hợp lợn không có triệu chứng viêm nhiễm

• Một giờ sau khi sinh có thể cho lợn con bú, con nhỏ cho bú vú ngực, con lớn cho bú vú sau. Sữa đầu của lợn nái rất quan trọng, có nhiều kháng thể giúp lợn con chống lại sự xâm nhập của vi trùng, vì vậy cần chăm sóc kỹ để các lợn con trong ổ được bú sữa đầu đầy đủ trong 3 - 7 ngày đầu sau khi nhằm tăng sức đề kháng với bệnh tật.

• Cần chích sắt cho lợn con lúc 3 và 14 ngày tuổi với liều 1 - 2ml/ con/ lần. Khi lợn con theo mẹ kém ăn, da xanh, gầy, yếu cần chích sinh lý ngọt qua xoang bụng (theo chỉ dẫn của cán bộ thú y).

• Lợn con tập ăn: Vào ngày tuổi thứ 7 - 10 bằng thức ăn hỗn hợp dành cho lợn con theo mẹ. Ở những nơi không có thức ăn dành cho lợn con, có thể tập ăn cho lợn con bằng cháo gạo hoặc cám gạo mới trộn với chuối chín nghiền nát. Lợn con sẽ ăn mạnh từ ngày tuổi 18 - 25 trở đi. Cai sữa lợn con vào lúc 28 - 30 ngày tuổi.

• Cung cấp đầy đủ nước uống sạch và mát cho lợn con khi theo mẹ bằng vòi uống tự động.

LƯU Ý:

• Nếu cai sữa lúc 21 ngày tuổi cần cố gắng tập ăn sớm cho lợn con và thức ăn phải có dinh dưỡng gần bằng sữa mẹ.

• Phòng bệnh và trị bệnh cho lợn con xem quy trình vệ sinh thú y và phòng bệnh cho lợn.

NUÔI LỢN CON SAU CAI SỮA

Lợn con sau cai sữa (lúc 30 ngày tuổi) cần phân loại trọng lượng để nhốt theo ô. Những con có trọng lượng thấp nhốt vào một ô, những con có trọng lượng cao nhốt vào một ô nhằm tránh đánh nhau để giành ăn. Sau một tháng nuôi sẽ đạt độ đồng đều và tăng trọng cao, nhờ đó rút ngắn được thời gian nuôi hậu bị và nuôi thịt.

• Số con nuôi cai sữa ở mỗi ô không quá 15 đến 20 con.

• Ô chuồng nuôi lợn con cai sữa thường 1,5 - 2,5 m 2 trong ô tuỳ theo số lượng con trong ô(10 - 20 con), cần có đèn sưởi cho lợn con trong mùa rét, khu chuồng nuôi lợn con sau cai sữa cần đủ ấm và thoáng.

• Máng ăn cho chuồng úm có thể sử dụng máng ăn tự động hoặc máng ăn đặt dọc chuồng.

• Nước uống cho lợn con sau cai sữa cần sạch và mát và sử dụng núm uống tự động cho từng ô lồng.

• Thức ăn cho lợn con sau cai sữa và phương thức nuôi

- Sử dụng các loại thức ăn công nghiệp cho lợn con sau cai sữa có bán trên thị trường.

- Cho lợn con ăn tự do trong thời gian nuôi sau cai sữa.

• Phòng và trị bệnh cho lợn con trong giai đoạn này xem“Quy trình vệ sinh thú y và phòng bệnh”.

QUI TRÌNH XÂY DỰNG CHUỒNG TRẠI CHO CHĂN NUÔI LỢN NÁI GIỐNG VÀ LỢN NÁI LAI NGOẠI X NGOẠI

Để đảm bảo đàn nái sản xuất tốt trong điều kiện nhiệt đới Việt Nam chúng ta cần phải chú ý cải thiện môi trường sống cho con vật, đó là: giảm nhiệt độ chuồng nuôi, vệ sinh tốt, quản lý chặt chẽ đàn nái khô và chữa theo phương thức nuôi từng ô lồng cá thể để quản lý chặt chẽ và theo dõi khả năng động dục của từng con, phối giống kịp thời, giảm khoảng cách đậu thai lại sau cai sữa để tăng lứa đẻ trong năm. Cũi đẻ cho lợn nái nhằm cách ly với nền chuồng, giảm hao hụt lợn con do bị đè, giảm tỉ lệ mắc bệnh đường ruột trước khi cai sữa, nâng cao số con sống trên ổ lúc cai sữa. Cũi úm cho lợn con sau cai sữa, để nuôi lợn con sau cai sữa (từ 30 - 60/75 ngày tuổi) đạt tỉ lệ sống cao, tăng trưởng nhanh. Sau đây là một số vấn đề kỹ thuật cần được ứng dụng trong xây dựng chuồng trại và sản xuất các loại lồng chuồng:

A. CHUỒNG TRẠI:

Chuồng trại cần được xây cao để thoáng mát trong mùa hè, ấm áp trong mùa đông, thoát được khí độc trong chuồng nuôi, yêu cầu theo qui mô sản xuất khác nhau cần:

• Qui cách chuồng nái tổng hợp (chờ phối, chữa - đẻ - lợn con sau cai sữa) : độ cao cột hiên ít nhất từ 3 - 3,5 m tính từ mặt nền chuồng. Nền chuồng phải cao hơn đất tự nhiên tối thiểu 40cm. Với qui mô 50 nái sinh sản cần diện tích 396 m2 với chiều rộng chuồng 9m và dài 44m, chia ra ba khu: nái đẻ, nái chờ phối và chữa, lợn con sau cai sữa.

• Với qui mô 100 nái cần diện tích chuồng nuôi 792m2: Nếu ứng dụng qui cách trên có thể xây dựng hai chuồng. Nếu nuôi tách riêng (khu lợn nái chờ phối và có chữa - khu lợn nái đẻ nuôi con và lợn con sau cai sữa) thì với diện tích trên chia làm hai chuồng cho từng khu.

• Với qui mô lớn (trên 100 nái) cần phải thiết kế chuồng theo từng khu riêng biệt nhưng liên hoàn:

- Nái chờ phối và nái chữa.

- Nái đẻ.

- Lợn con sau cai sữa.

- Lợn hậu bị và lợn thịt.

B. LỒNG CHUỒNG:

+ Lồng chuồng cho nái sau cai sửa và nái chữa: Ô lồng chuồng (tổng số lồng bằng tổng lợn nái sinh sản) cho nái sau cai sữa và chữa: dài 2,2m; rộng 0,7m; cao1m. Các thanh ngăn dọc lồng chuồng cách nhau từ 15 - 25 cm (Chú ý thanh ngăn cuối chuồng cách mặt nền chuồng là 25cm). Sàn nền lót tấm đan có khe hở 1cm hoặc sàn bê tông có độ nghiêng 3 - 5%. Phía sau từng dãy ô lồng cá thể có rãnh thoát nước, có nắp đậy bằng tấm đan có khe hở 1,5cm; rãnh thoát phân rộng 0,3m, sâu 0,3 - 0,5m; có độ nghiêng từ 1 - 3% hướng về các rãnh thoát toàn khu ở các đầu chuồng.

Mỗi ngăn lồng cá thể đều có vòi nước tự động và máng ăn riêng biệt.

Ưu điểm lồng chuồng cá thể là chiếm diện tích ít, dễ kiểm tra lên giống, dễ quản lý khi phối giống, dễ kiểm tra đầu thai. Dễ tháo, lắp khi di dời.

+ Lồng chuồng nái đẻ và nuôi con: Lồng chuồng cho nái đẻ (tổng số lồng bằng 30% so với lồng cá thể) có chiều dài 2,3m, cao lồng của nái đẻ là 1m, rộng 1,8m, ngăn nái đẻ rộng 0,7m; hai ô cho lợn con tránh mẹ đè rộng 0,45m và 0,65m hoặc 0,55 và - 0,55m. Sàn cũi ô nái đẻ có thể gia công bằng đan bê tông (kích thước 1,1m x 0,7m) có khe hở 1cm hoặc sắt tròn trơn - đường kính 16mm (tốt nhất là sắt vuông, 20 x 20mm) hàn theo chiều ngang ô lồng có kẽ hở 1cm hoặc sử dụng tấm nhựa sàn nhập khẩu. Ô lợn con theo mẹ sử dụng sàn nhựa, nếu không có thì có thể gia công sàn sắt với đường kính 8 - 10mm và gắn dọc theo, có khoảng cách khe hở giữa các thanh sắt dọc sàn là 1cm.

Lồng nái đẻ có thể đặt trên khung bê tông hoặc có chân cao cách mặt nền 40cm. Nếu lồng chuồng nái đẻ đặt hai bên chuồng thì nền chuồng phải nghiêng về hai phí có độ dốc 5 - 7% để dễ thoát nước khi vệ sinh chuồng trại (chú ý mặt nền chuồng phải đổ bê tông kỹ (bê tông MAC 200) để tránh chuột đào và trơn láng để tránh phân, rác bám trên nền).

Mỗi ngăn lồng nái đẻ đều có một vòi nước tự động cho mẹ và một vòi cho con ở phía ngăn rộng (0,65m), có máng ăn riêng cho mẹ và máng tập ăn cho lợn con lợn con gần vòi nước uống.

Ưu điểm của lồng chuồng nái đẻ là lợn con ít bị tiêu chảy trong giai đoạn theo mẹ, giảm tỉ lệ hao hụt lợn con bị mẹ đè và bệnh tật. Lợn con khỏe mạnh, cai sữa sớm lúc 21 - 30 ngày tuổi.

+ Lồng chuồng cho lơn con cai sữa: Lồng chuồng cho lợn con sau cai sữa có thể làm theo dãy dài dọc chuồng hoặc dãy ngang. Chiều rộng của mỗi dãy 3m, dài theo chiều dài chuồng. Sàn lồng có thể lót tấm nhựa hoặc gia công bằng sắt tròn với đường kính 8 - 10mm, khe hở rộng 1cm ngăn từng ô tùy thuộc vào số lượng lợn con có trong ưng hộ. Thường số ô lợn con úm bằng số ô lợn nái đẻ. Sàn lồng cao cách mặt nền chuồng 40 - 50cm. Vách ngăn các ô lồng cao 60cm, khoảng cách giữa các thanh là 4cm. Thường người ta sử dụng sắt phi 10 hoặc 12 để làm vách ngăn cho lợn con sau cai sữa.

Mỗi ngăn ô lồng nhốt không quá 20 con lợn con có cùng trọng lượng (tốt nhất 10 con/ ô) và có máng ăn tự động hoặc máng ăn đặt dọc theo thành chuồng, có vòi uống tự động cho từng ô.

+ Ưu điểm chuồng úm:

• Cai sữa sớm cho lợn con, tăng lứa đẻ cho lợn mẹ

• Tránh mẹ đè con và một số bệnh về đường tiêu hóa.

• Cho tăng trọng cao, sau hơn một tháng nuôi có thể đạt 18 - 25kg với độ đồng đều lớn.

CÔNG LAO ĐỘNG CHĂM SÓC NUÔI DƯỠNG CÁC LOẠI LỢN TỪ HẬU BỊ ĐẾN SAU CAI SỮA

• Cho chăn nuôi lợn nái (sau cai sữa đến nuôi con): 50 con/người.

• Cho lợn con sau cai sữa: 500 - 800 con/người.

• Cho lợn hậu bị từ 20kg đến 100kg: 400 - 600 con/người.

• Cho lợn nuôi thịt: từ 600 - 1000 con/người.

Ghi chú: các chỉ tiêu trên với điều kiện đầy đủ máng ăn, nước uống tự động, thức ăn hỗn hợp được đưa đến chuồng.

 

 


Chứng Nhận - Giải Thưởng